Sự bùng nổ của internet đã có thêm nhiều hình thức quảng cáo qua email, báo điện tử và mới đây là blog. Trong đó quảng cáo trên Blog mang lại hiệu quả cao, tiết kiệm chi phí.
Trong khi CTR (CTR – click through rate: tỷ lệ giữa số người truy cập website và số lượt click vào quảng cáo) trung bình của web truyền thống là dưới 1%, blog lại đạt tỷ lệ hơn hẳn là 5%. Về chi phí, các công ty cũng chỉ tốn 10 USD – 350 USD/tuần để đăng thông tin trên blog.
Các trang blog có số lượng truy cập lớn là các trang được cập nhật thông tin thường xuyên, các sự kiện mới nhất, các thông tin được nhiều người quan tâm. Ngày nay đang dần hình thành một thói quen trước khi mua một món hàng, nhiều người thường tham khảo và gần như tin vào những đánh giá sản phẩm trên các trang blog hoặc diễn đàn. Những lời truyền miệng, rỉ tai rất quan trọng trong quyết định mua bán cả ở trên mạng cũng như ở mỗi cửa hàng. Mọi người tìm kiếm ở những người mà họ tin tưởng những góp ý đối với hàng hóa sẽ mua. “Các trang web cá nhân là phương tiện truyền thông có sức mạnh to lớn vô cùng” là lời khẳng định của ông Tetsuya Honda, một nhà tư vấn tiếp thị đang điều hành công ty BlueCurrent Japan.
Doanh nghiệp làm blog, tại sao không?
Hiện nay, các blog đa phần là của các cá nhân, hầu như các doanh nghiệp tham gia làm blog rất ít. Nếu doanh nghiệp xây dựng được một blog hay, người đọc sẽ tin tưởng và phản hồi những suy nghĩ của họ, cung cấp thông tin và xu hướng mới trong lĩnh vực liên quan. Blog có thể trở thành một kênh thông tin ghi nhận mọi ý kiến của khách hàng một cách khách quan sau đó doanh nghiệp sẽ tổng hợp và cải tiến dịch vụ phù hợp với yêu cầu của khách hàng. Thêm vào đó, các doanh nghiệp còn sử dụng các công cụ phần mềm phân tích các bài viết trên blog để tìm hiểu xu hướng và các sở thích khác nhau của khách hàng.
Áp dụng lợi thế này, công ty Nike Japan đã khéo léo mở một trang blog cho phép khách hàng tha hồ kể những chuyện hài hước khi mang giày NiKe và sử dụng dịch vụ hỗ trợ Nike+. Kết quả ngoài mong đợi: hãng Nike sau đó đã mở rộng dòng sản phẩm giày thể thao từ hai lên thành 20 kiểu giày trong năm qua, do nhận được các phản hồi tốt của khách hàng về sản phẩm.
Blog của doanh nghiệp nên trở thành một địa chỉ tìm kiếm yêu thích. Một blog được kết nối cả về số lượng và chất lượng sẽ thu hút người đọc. Không kết nối nào sánh được với kết nối vô hình cho người đọc thỏa sức tìm tin. Cộng đồng blog kết nối mỗi thành viên tới blog của họ, với blog người đọc ưa thích… Họ theo dõi những phản hồi hàng ngày, hàng giờ trên blog.
Các doanh nghiệp đã sử dụng blog thành công trong công việc kinh doanh phải kể đến những công ty của Nhật Bản. Gần 15% các công ty đã mở các trang blog trên trang web của mình và con số này dự kiến có thể còn tăng hơn nữa. Nhật Bản đang trở thành một đất nước của blogger, với số lượng trang blog bằng tiếng Nhật chiếm 37% toàn bộ cộng đồng blog trên thế giới.
Hãng xe hơi Nissan (Nhật Bản) đã đi đầu trong phong trào “mượn blog để quảng cáo”. Năm ngoái, Nissan mời khoảng 100 blogger có tiếng đến văn phòng của mình để giới thiệu chiếc xe Skyline. Mấy ngày sau đó, khi gõ các từ khoá về sự kiện trên vào thanh công cụ tìm kiếm của Google, kết quả cho ra tới gần 14.000 trang web, có cả blog chính thức của công ty.
Tương tự, công ty đường sắt Nhật Bản đã mở những chiến dịch quảng cáo nhằm vào cộng đồng blog. Công ty đã mời vài chục blogger đi toa hạng nhất của chiếc N700, khởi hành từ Tokyo đến Osaka. Hầu hết các blogger đều rất thích thú và đáp lại “đặc ân” này bằng việc bàn luận về chiếc N700 trên các trang blog. Hiroshi Shigeta, phát ngôn viên của công ty đường sắt Nhật Bản khẳng định: “Các trang blog của những blogger này rất chính xác, rõ ràng và cực kỳ lý thú, thậm chí hơn cả trang web chính thức của chúng tôi”.Kết quả, số lượng khách đi chiếc N700 tăng 12%.
Quảng cáo trên blog là con dao hai lưỡi nên các doanh nghiệp cần hết sức cẩn thận để hạn chế tối đa những kết quả ngược lại. Tránh trường hợp như nhà cung cấp dịch vụ điện thoại di động hàng đầu Nhật Bản DoCoMo đã buộc phải đóng cửa trang web sau khi không trả lời kịp thời các ý kiến của khách hàng, dẫn đến những lời phàn nàn.
::